Logo Website

HOA HOÈ

22/08/2020
Cây Hoè có tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott, họ Đậu (Fabaceae). Công dụng: Nụ hoa hoè sao đen : Các chứng chảy máu, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt. Nụ hoa sống chữa cao huyết áp, đau mắt. Ngày dùng 8 - 16g dạng thuốc hãm hoặc sắc. Chiết xuất rutin, bào chế theo y học hiện đại. (Viên rutin C). Quả hoè có công dụng gần như hoa nhưng có thể gây ra thai.

HOA HOÈ (槐米)

Flos Styphnolobium japonici

Tên khác: 

Hòe hoa, cây Hòe, Hòe, Lài luồng (Tày), Hòe mễ.

Tên khoa học: 

Styphnolobium japonicum (L.) Schott, họ Đậu (Fabaceae). 

Tên đồng nghĩa

Sophora griffithii subsp. korolkowii Yakovlev; Sophora japonica L.; Sophora korolkowiDiecks; Sophora korolkowi Dieck ex Koehne; Sophora korolkowii Dieck; Sophora pubescens Tausch; Sophora sinensis Forrest

Mô tả:

Cây: 

Cây gỗ, to, cao có thể đến 15m, thân thẳng có chỏm lá tròn. Cành cong queo. Lá kép lông chim lẻ, có 9-13 lá chét hình trứng, đỉnh nhọn, nguyên dài 3cm rộng 1,5-2,5cm. Cụm hoa hình chuỳ ở đầu cành. Tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Quả loại đậu không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt.

Dược liệu: 

Nụ hoa hình trứng có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 - 6 mm, rộng 1 - 2 mm, màu vàng xám.  Đài hoa hình chuông, màu vàng xám, dài bằng 1/2 đến 2/3 chiều dài của nụ hoa, phía trên xẻ thành 5 răng nông. Hoa chưa nở dài từ 4 - 10 mm, đường kính 2 - 4 mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng. Mùi thơm, vị hơi đắng.

Bộ phận dùng:

Nụ hoa phơi hay sấy khô (Hoè hoa - Flos Styphnolobium japonici = Flos Sophorae japonicae)

+ Quả hoè (Hoè giác - Fructus Sophorae japonicae).

Phân bố, sinh thái

Hòe được trồng rộng rãi ờ các tỉnh phía bắc hiện nay vốn là cây nhập nội, chưa rõ nguồn gốc. Từ năm 1978, cây được đưa vào các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung sau lan ra các tỉnh khác. Những tỉnh trồng nhiều hòe hiện nay là Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Lai Châu (vùng Điện Biên), Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... Trên thế giới hòe cũng được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác.

Hòe thuộc loại cây gỗ trung sinh, ưa sáng và ưa ẩm, thường được trồng ở vườn gia đình xen với cây ăn quả. Vài năm trở lại đây, cây được trồng có kết quả tốt ở cả vùng đồi, đất cao nguyên ở Mộc Châu, Điện Biên, Đắk Lắk, hoặc ở đất mới khai hoang vùng Tam Điệp (Ninh Bình). Nhiệt độ không khí trung bình khoảng 23 - 26°C. Cây ít thấy trồng ở những vùng cận nhiệt đới, núi cao như Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn (Hà Giang). Những cây trồng ở Trại thuốc Tam Đảo phát triển kém hơn cây trồng ở vùng đồi trung du và đồng bằng. Cây trồng từ hạt sau 3 - 4 năm bắt đầu có hoa quả; các năm sau nhiều hơn.

Trồng trọt:

Hòe được trồng tương đối tập trung ở Thái Bình (Thái Thụy), Nghệ An (Quỳnh Lưu) và Hà Nam, ngoài ra còn được trồng phân tán ở hầu khắp các tỉnh.

Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng giâm cành. Hạt giống được chọn từ những cây hòe tốt, nhiều hoa, có 15 - 20 năm tuổi. Hạt được gieo trong vườn ươm vào mùa xuân, khi cây được một năm tuổi, đánh đi trồng. Cần ngâm hạt cho no nước, ủ nảy mầm mới đem gieo. Đất vườn ươm cần làm kỹ, lên luống và gieo với khoảng cách 15 x 20 hay 20 x 20cm. Gieo xong phủ đất dày 1 cm và tưới ẩm, làm cỏ chăm sóc thường xuyên. Hòe còn được trồng bằng cành giâm nhưng phải xử lý ra rễ bằng chất kích thích. Cách này chưa được phổ biến rộng rãi trong sản xuất.

Hòe được trồng trên đất tận dụng hai ven đường, bờ mương, bờ hồ... Khi trồng, người ta đào hố 50 x 50 x 50cm, cách nhau 4-5m, bón lót chừng 10-15kg phân chuồng và đặt cây giống. Sau đó tưới ẩm cho đếa khi cây bén rễ.

Chưa phát hiện thấy sâu bệnh đặc biệt đối với cây hòe. Cây trồng sau 3 - 4 năm bắt đầu thu hoạch.

Thu hái: 

Thu hoạch từ thàng 7-9 dương lịch. Hái hoa vào buổi sáng khi trời khô ráo. Ngắt các chùm hoa đã bắt đầu có hoa mới nở, tuốt lấy hoa rồi phơi nắng hoặc sấy ngay. Dược liệu là hoa chưa nở được gọi là "hoè mễ". Dược điển Việt nam quy định hoa nở lẫn vào không được quá 10%.

Chế biến

- Hoa: Phơi hoặc sấy khô. Sau khi chế biến, hoa hòe có hình viên chùy ở búp và nhỏ dần ở cuống và đài búp. Nụ hoa có màu vàng, không bị cháy, ẩm mốc và không được lẫn lộn với cuống lá.

- Quả (hòe giác)

Lấy quả hoa hòe sao lửa nhỏ cho đến khi chuyển qua màu hơi vàng. Để nguội có thể dùng.

Tẩm quả hoa hòe với mật ong trên lửa nhỏ. Khi thấy có màu nâu đen thì ngưng

Sao quả hòe trên lửa lớn. Đảo đều tay, canh thấy quả gần chuyển sang màu đen thì lấy nước phun ướt và đem phơi khô.

Bảo quản:

Dược liệu bảo quản ở nơi khô, thoáng gió.

Thành phần hoá học: 

Flavonoid, Nụ hoa Hoè chứa rutin, có thể đạt tới 34%. Còn có bertulin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B và sophorin C. Vỏ quả chứa 10,5% flavonoid toàn phần và một số dẫn xuất như genistein, sophoricosid, sophorabiosid, kaempferol, glucosid C, rutin 4,3%. Hạt Hoè chứa 1,75% flavonoid trong đó có rutin 0,5%, một số alcaloid, cytisin, N-methyl cytisin, sophocarmin, matrin. Ngoài ra còn có 8-24% chất béo và galactomanan.

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng cầm máu: Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.

+ Tác dụng với mao mạch: giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.

+ Tác dụng của thuốc đối với hệ tim mạch: chích tĩnh mạch chó được gây mê dịch Hoa hòe, huyết áp hạ rõ rệt. Thuốc có tác dụng hưng phấn nhẹ đối với tim cô lập ếch và làm trở ngại hệ thống truyền đạo. Glucosid vỏ hòe có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim cô lập và tim tại thể của ếch. Hòe bì tố cótác dụng làm giãn động mạch vành.

+ Tác dụng hạ mỡ trong máu: Hòe bì tố có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch. Đối với xơ mỡ động mạch thực nghiệm, thuốc có tác dụng phòng trị.

+ Tác dụng chống viêm: đối với viêm khớp thực nghiệm của chuột lớn và chuột nhắt, thuốc có tác dụng kháng viêm.

+ Tác dụng chống co thắt và chống lóet: Hòe bì tố có tác dụng giảm trương lực cơ trơn của đại tràng và phế quản. Tác dụng chống co thắt của Hòe bì tố gấp 5 lần của Rutin. Rutin có tác dụng làm giảm vận động bao tử của chuột lớn, làm giảm bớt rõ rệt só ổ lóet của bao tử do thắt môn vị của chuột.

+ Tác dụng chống phóng xạ: Rutin làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của chuột nhắt do chất phóng xạ với liều chí tử.

+ Rutin có tác dụng phòng ngừa tổn thương do đông lạnh thực nghiệm: đối với tổn thương độ 3 càng rõ, đối với độ 1 và 2 cũng có tác dụng.

+ Tác dụng chống tiêu chảy: nước Hoa hòe bơm vào ruột của thỏ kích thích niêm mạc ruột sinh chất tiết dịch có tác dụng làm giảm tiêu chảy.

+ Rutin với liều 40 - 400 mg/kg, quercetin với liều 20 - 80 mg/kg có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột nhắt đã được tiêm truyền tế bào u NK/Ly. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định tác dụng chống phản ứng phản vệ của hoa hòe. Thí nghiêm trên hồi trường chuột lang đã được gây mẫn cảm bằng lòng trắngtrứng, quercetin có tác dụng ức chế co bóp của hồi trường, nồng độ ức chế 50% co bóp, IC50 là khoảng 10 µmol/lít. Quercetin là flavon tự nhiên có tác dụng ức chế mạnh sự giải phóng histamin từ các tế bào ưa kiềm (basophils) do kháng nguyên gây nên. Ngoài ra, rutin còn có tác dụng bảo vệ gan, thí nghiêm trên chuộí cống trắng, dùng tetracỉorua carbon gây tổn thương gan thì hoạt động của men cytochrom P-450 bị ức chế, dùng rutin bằng đường dạ dày với liều 100 mg/kg có tác dụng kích hoạt trở lại hoạt động của men trên.

Đối với hệ cơ trơn của ruột và khí phế quản, quercetin có tác dụng làm giảm trương lực cơ, tác dụng giải co thắt cơ trơn của quercetin lớn hơn nhiều so với rutin.

Đáng quan tâm là đaz phát hiện rutin và quercetin có tác dụng gây đột biến (mutagenicity) khi tiến hành thí nghiệm với Salmonella typhimuricum TA 1535, TA100, TA 1537 và TA 1538. Do đó, người ta đã tiến hành nghiên cứu nhiều thí nghiệm để xem chúng có khả năng gây ung thư hay không. Trên chuột cống trắng dùng thức ăn có 10% rutin hoặc 10% quercetin, dùng liên tục trong 85 ngày, kết quả không có sự khác nhau có ý nghĩa về tần suất xuất hiện khối u giữa lô dùng thuốc và lô chứng. Trên chuột nhắt trắng nuôi với chế độ ăn có 2% quercetin từ tuổi 6 tuần lễ đến suốt đời, kết quả không có sự khác nhau có ý nghĩa về tần. suất xuất hiện khối u giữa lô dùng thuốc và lô chứng. Kết quả cũng giống như vậy khi chuột hamster được nuôi với chế độ ăn có 10% rutin hoặc 10% quercetin. Thí nghiệm trên chuột cống trắng Fischer, quercetin cũng không có tác dụng gây ung thư, rutin dùng cho chuột cống trắng Sprague - Dawiey cũng có kết quả tương tự. Như vậy, rutin và quercetin đã được khẳng định là không có tác dụng gây ung thư. Mặt khác querceitin còn được chứng minh là  có tác dụng ức chế khối u do12-O-tetradecanoylphorbol 13 - acetat (TPA) gây nên.

Nghiên cứu dược động học về quercetin trên người cho thấy quá trình đào thải trong cơ thể của quercetin là 2 pha với t1/2α = 8,8 phút và t1/2α = 2,4 giờ sau khi dùng một liều đơn độc. Trong máu dạng liên kết với protein chiếm 98%. Có khoảng 7,4% của liều tiêm tĩnh mạch được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng liên kết và khoảng 0,6% dưới dạng nguyên thể. Dùng qua đường uống, nồng độ thuốc trong máu rất thấp không đo được.

Tính vị

Vị đắng, tính bình.

Qui kinh

Can, Đại trường.

Công năng: 

Lương huyết chỉ huyết, thanh can tả hoả.

Công dụng:

+ Nụ hoa hoè sao đen : Các chứng chảy máu, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt.

+ Nụ hoa sống chữa cao huyết áp, đau mắt. Ngày dùng 8 - 16g dạng thuốc hãm hoặc sắc.

+ Chiết xuất rutin, bào chế theo y học hiện đại. (Viên rutin C).

+ Quả hoè có công dụng gần như hoa nhưng có thể gây ra thai.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 8-10g, dạng thuốc hãm hoặc sắc, hoặc dùng 0,5-3g dạng bột hoặc viên. Quả sao tồn tính chữa đại tiện ra máu.

Bài thuốc:

1. Chữa các loại xuất huyết, đi lỵ ra máu, bệnh trĩ, đi ngoài ra máu: dùng hoa Hoè (sao qua) 10-15g, hoặc dùng quả Hoè 8-12g sắc uống hoặc dùng hoa hoè sao đen 20g, Địa du sao đen 10g, Diếp cá 12g, nước 300ml, sắc còn 200ml. 

2. Chữa người có huyết áp cao, đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, thần kinh suy nhược, mắt đau sợ chói, khó ngủ: Hoè hoa sao, hạt Muỗng sao, hai loại bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10-20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè. 

3. Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, hay trẻ em thường đổ máu mũi, chảy máu chân răng; trằn trọc khó ngủ: Cũng dùng Hoè hoa sao và hạt Muồng sao, tán bột, ngày dùng 10-20g; hoặc sắc 10g quả Hoè uống. 

4. Chữa trĩ bị sưng đau: Quả Hoè phối hợp với Khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột hoà với nước bôi ngoài.

5. Chữa thổ thuyết không cầm: 12g hòe hoa, 4g bách thảo sương đem đi tán bột. Dùng chung với rễ cây cỏ tranh.

6. Chữa lưỡi chảy máu: Dùng hoa hòe tán bột, đắp vào vùng lưỡi chảy máu.

7. Chữa chảy máu không cầm: Dùng ô tặc cốt, hoa hòe ở hàm lượng bằng nhau nửa để sống nửa sao vàng. Sau đó đem tán bột mịn và thổi vào nơi chảy máu.

8. Chữa tiểu ra máu: Dùng uất kim nướng và hoa hòe sao vàng, mỗi thứ 100g đem tán bột. Mỗi lần dùng 8g hòa với nước sắc đậu xị và uống hết trong ngày.

9. Chữa đại tiện ra máu: Chỉ xác, hoa hòe có hàm lượng bằng nhau, đem sao tồn tính và tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g hòa với nước và uống đến khi triệu chứng dứt điểm.

10. Chữa ho, khạc ra máu: Dùng hoa hòe sau vàng và tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12g hòa tan với nước gạo nếp.

11. Chữa tiểu ra máu do ngộ độc rượu: Dùng 40g hoa hòe nửa sống nửa sao vàng, 20g sơn chi tử đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g hòa tan với nước.

12. Trị rong kinh không cầm: Dùng hoa hòe sao tồn tính, mỗi lần dùng từ 8 – 12g hòa với rượu nóng và uống trước khi ăn.

13. Chữa trĩ ra máu: Dùng hoa hòe sao và tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 12g uống với rượu, ngày dùng 3 lần.

14. Trị trúng phong mất tiếng: Dùng hoa hòe sao và nằm ngửa nhai nuốt sau canh ba.

Bài thuốc trị băng huyết không cầm: Dùng 120g hòe hoa và 80g hoàng cầm đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 20g bột với một chén rượu.

15. Chữa trĩ ngoại: Dùng nước sắc hoa hòe rửa nhiều lần. Dùng cả nước sắc hoa hòe để làm teo trĩ ngoại.

16. Chữa ung thư phát bối, miệng khô, tây chân tê, lưỡi đắng: Dùng một nắm hoa hòe sao cho thành màu nâu đen. Đem ngâm với một chén rượu con và uống khi rượu còn nóng. Tiếp tục uống cho đến khi nhọt nhúm mủ lại.

17. Chữa bạch đới không dứt: Dùng hoa hòe sao, mẫu lệ nung, mỗi thứ bằng nhau đem đi tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12g với rượu.

18. Hạ huyết và băng huyết: Dùng hoa hòe 40g, tông lư thán 8g và một ít muối đem sắc với 3 chén nước, còn lại ½ chén.

19. Chữa huyết áp cao: Dùng hy thiêm thảo, hòe hoa, mỗi thứ từ 20 – 40g sắc và uống trong ngày.

Kiêng kỵ:

- Bệnh do hư hàn, không do nhiệt (theo ghi chép Đông Dược Học Thiết Yếu).

- Không có thực nhiệt, thực hỏa cấm dùng (theo ghi chép của Trung Dược Học).

- Hoa hòe có thể gây sẩy thai do đó không dùng cho phụ nữ đang có thai – nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org